Mười cảnh đây đây chẳng thiếu chi,
Còn ông điếu tẩu ở Sa kỳ.
Yên hà bóng dợn hai mai tuyết,
Phong nguyệt tay cầm một sợi ty.
Có cá không thèm mong đoái đến,
Được rồng rồi lại thả cần chi.
Giữ trong non nước đầy y ái,
Tự thuở đời mô đến thuở ni.(Nguyễn Cư Trinh)

Tạo hóa quả là hào phóng khi ban tặng cho vùng biển cửa Sa Kỳ vẻ đẹp thiên nhiên quyến rũ, lấy sự hòa điệu của đá và nước, núi và biển làm nền. Phía bắc là An Hải sa bàn với cát trắng và sóng êm; phía nam là Thạch ky điếu tẩu cùng lò rượu, dấu chân khổng lồ tạo hình từ những khối đá lô nhô, tạo thanh từ tiếng dội của nước vào hang đá.
Chữ ky 磯 trong cụm từ Thạch ky điếu tẩu vừa có nghĩa là ghềnh đá, tảng đá ngầm dưới nước, vừa có nghĩa là nước dội vào đá (Nguyễn Văn Khôn; Hán Việt từ điển; 1960).
 Thạch Ky điếu tẩu - Đệ Cửu thắng cảnh Quảng Ngãi.
Đá ông câu
Sách Quảng Ngãi tỉnh chí (Nguyễn Bá Trác và cộng sự -1933) chép: “Thạch ky điếu tẩu: ở về cửa Sa Kỳ có cái gành đá nhô ra mé bể, ở xa xem như hình người, nên đặt tên ấy”.
Nhà biên khảo Phạm Trung Việt mô tả cụ thể hơn trong tập sách nổi tiếng Non nước xứ Quảng:
“Hai quả núi tọa lạc hai bên cửa biển Sa Kỳ, cách tỉnh lỵ 16 km về phía đông bắc. Đó là dãy đá thiên nhiên chặn ngang qua cửa biển, chỉ có một lối vào trong. Ở giữa có một tảng đá lớn nổi lên trông như người ngồi, gần bên có một tảng đá in hình hai dấu chân người. Bên cạnh có một hang đá lộ thiên. Mỗi lần gió đưa sóng vỗ tràn vào hang đá, nước theo lộ thiên phun lên rất đẹp trông như một lò nấu rượu. Thạch cơ điếu tẩu là hàng cừ đá nổi lên ở cửa biển như người ngồi câu ở giữa dòng nước.
Thạch Ky điếu tẩu, trang sức san hô

Hoàng hô trên Thạch Ky điếu tẩu

 
Người địa phương thường truyền khẩu: Ngày xưa, lúc vùng nầy còn là bể có một ông khổng lồ gánh đá lấp cửa biển chỉ còn một đôi gánh nữa là xong nhưng vì có một gánh đá quá nặng, khi bước chân qua cửa biển, đòn gánh bị gãy, đá đổ hai bên cửa nay thành hai quả núi. Dấu chân ông khổng lồ còn in rõ và hang đá là lò nấu rượu của ông khổng lồ”. (Non nước xứ Quảng – tân biên; 1971)
Nếu Nguyễn Bá Trác miêu tả một đơn nguyên trong quần thể thiên nhiên phía nam cửa biển Sa Kỳ là khối nhô đá nhô lên ở mé biển có hình một ông ngư ngồi câu, thì Phạm Trung Việt vẽ lại toàn cảnh vùng Sa Kỳ với các điểm nhấn là hang đá lộ thiên trông như lò nấu rượu, vết lõm trên đá tựa dấu chân ông khổng lồ và hòn đá giống người ngồi câu. Có điều, các vị tiền bối kể trên chưa chú ý, hoặc thiếu điều kiện khảo sát cấu tạo địa chất của các lớp đất đá trong vùng.
 
Nhô lên ở đôi bờ vụng Sa Kỳ là hai ngọn núi đất An Vĩnh (phía nam) và An Hải (phía bắc). Nghiêng xuống mé biển và kéo dài ra phía xa là những khối nham thạch màu đen, xốp bị các tác nhân xâm thực (nước biển, sóng, gió…) bào mòn không đồng đều, tạo thành những ghềnh đá, hang đá rộng hẹp nhiều hình dạng, vết lõm trên mặt đá phẳng, những khối đá sót nhấp nhô hoặc vươn cao khỏi mặt nước, những viên đá vỡ nhiều kích cỡ mà các nhà địa chất gọi là “viên than núi lửa”…
 
Sự đồng nhất về cấu tạo địa chất của các khối đá, vụn đá ở cho phép phỏng đoán về hoạt động của một núi lửa vào thời điểm cách chúng ta nhiều chục vạn năm khiến dung nham từ trong ruột địa cầu phun trào lên khỏi mặt đất, đổ tràn ra mé biển, ùa xuống vụng nước Sa Kỳ, sau đó đông kết thành khối phún xuất thạch đè lên nền đất đá trầm tích.
Thạch Ky điếu tẩu - Đệ Cửu thắng cảnh Quảng Ngãi.
Lò rượu ông khổng lồ
Còn nhớ, theo mô tả của các tác giả Đại Nam nhất thống chí, độ sâu tương đối của lạch nước cửa tấn Sa Kỳ là “Khi thủy triều lên sâu 6 thước” (xấp xỉ 2,5m). Độ rộng và sâu của luồng cảng hiện nay chỉ có từ năm 1990, chính xác là sau vụ nổ của 5 tấn thuốc nổ vào ngày 18/9/1990, phá vét khoảng 8.000 khối đá ngầm, biến nơi đây thành một trong những cảng biển quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi và là đầu mối của tuyến đường thủy khứ hồi đất liền – huyện đảo Lý Sơn.
 
Từ những khối đá, ghềnh đá nầy, trong khung cảnh thiên nhiên bao la biển cả, phóng khoáng mây trời mà con người hình dung thành “lão câu ghềnh đá”, “lò rượu”, “bàn chân khổng lồ”, lại gắn vào đó nhiều tích truyện lý thú, kích thích trí tưởng tượng của các thế hệ tao nhân mặc khách…
 
Nhờ tựa vào những ghềnh đá, hốc đá mà các loài hải sản sống ở đây nhiều hơn hẳn các vùng ven biển khác, trong đó có những thức mà giới sành điệu về ẩm thực gọi là “hảo hạng”: cá hồng, cá đối, cá kè, cá hanh, cua huỳnh đế, ghẹ, chình biển, rắn biển, nhum, rau câu, rau chưn vịt…
 
Cũng chính vì các hang hốc đá và đáy biển lô nhô mà người ta khó lòng sử dụng các phương tiện đánh bắt “tận diệt” để khai thác hải sản như lưới quét, đèn cao áp, thuyền máy… Chèo thúng nan, giăng câu, bủa lưới, thả chà, lặn bộ là cách mà người dân trong vùng đánh bắt cá tôm từ bao đời nay. Đây cũng là một lý do giải thích sự phong phú của các loài sinh vật biển ở vùng ghềnh đá An Vĩnh.
Hình ảnh quen thuộc và cũng khá nên thơ của Thạch ky điếu tẩu là những mõm đá, hang đá nổi chìm nhiều dạng, lũ trẻ vui đùa cùng sóng nước, vài chiếc thúng câu nhấp nhô, mấy người buông lưới rồi dùng chiếc sào đập lên mặt nước tạo thành dãy âm thanh bì bập lùa cá, phía xa xa, cheo leo trên mõm đá là nhóm người ngồi câu.
Thạch Ky điếu tẩu - Đệ Cửu thắng cảnh Quảng Ngãi.
Câu cá ở ghềnh Thạch Ky
Mấy năm gần đây, con nhum (một loài nhuyển thể, làm mắm rất ngon, ngày xưa phải tiến vua, nên gọi là mắm ngự, mắm tiến) vốn có nhiều ở vùng biển Thạch Bi (Đức Phổ) lại sinh sôi ở đây khá nhiều.
Vào mùa bắt nhum, từng cặp vợ chồng trẻ dắt nhau ra gành đá, chồng lặn sâu, mò vào hốc đá bắt nhum, vợ ngồi trên bờ bóc vỏ nhum, lấy từng múi thịt đỏ hồng để đem về làm mắm. Thứ mắm có hương vị đặc biệt, ai một lần ăn thì nhớ để đời. Đến trưa, người bắt nhum, người câu cá, người quăng chài rủ nhau quây quần trên một phiến đá rộng cùng ăn trưa, cười nói râm ran. Nước xanh biêng biếc, sóng biển rì rào, mấy hạt cát li ti vương trên những khuôn mặt sạm nắng và gió bất chợt lấp lánh dưới ánh mặt trời.
Bâng quơ trước biển, bỗng nhớ bậc tiền bối đồng hương lỗi lạc Trương Đăng Quế (1793 – 1865). Nhà văn hóa uyên thâm nầy quả là người có khiếu hài hước và trí tưởng tượng khác người. Thiên hạ nhìn khối đá ngoài mé biển hao hao có hình người, gọi là ông câu; còn Quận công thi sĩ họ Trương thì hình dung ngọn đồi An Vĩnh và cả những hang đá, ghềnh đá là cái đầu của một người khổng lồ giấu thân dưới biển; sóng vỗ vào hang đá khi ông súc miệng, mây trời bay qua như chiếc khăn lau…
Những tưởng non sông tác chẳng già
Ai ngờ ghềnh móm lại giơ ra
Chòm rong lém đém râu Bành Tổ
Chẹt đá nho nhe mép Tử Nha
Miệng súc phì phèo con sóng vỗ
Khăn lau quệch quạc đám mây qua
Hễ ai có hỏi xuân thu  mấy
Từ có càn khôn đã có va.
Người như ông Trương Đăng Quế kể cũng là hiếm. Làm quan đến tột đỉnh công danh “dưới một người, trên vạn người”. Đến cuối đời rũ bỏ cân đai về quê trí sĩ, sống thanh bạch yên hàn, xa phồn hoa đô hội. Ở chốn quan trường thì làm thơ chữ Hán, lui về nhà thì ngâm vịnh thơ Nôm. Mộc mạc chân thành ca ngợi sông quê, góc biển. Vừa trả nợ tình với hương thôn, vừa tìm lại chính mình trong bản lai diện mục.
Nguồn: Lê Hồng Khánh – Báo Quảng Ngãi
ĐỌC THÊM  Thiên Bút phê vân - Đệ Tam thắng cảnh Quảng Ngãi.