Nam Bắc Đông Tây hiệp một nhà,
Hà Nhai đây có thiệt phiền hoa.
Khe trong tôm cá lên trừng nguyệt,
Bóng mát bướm ong lộn dệt hoa.
Bữa bữa lâu đài chuông giục tối,
Chiều chiều thương mại khách đi qua.
Chốn Trường An ngó xa vòi vọi,
Lên xuống phong lưu cũng nước Trà.(Nguyễn Cư Trinh)
Hà Nhai đây có thiệt phiền hoa.
Khe trong tôm cá lên trừng nguyệt,
Bóng mát bướm ong lộn dệt hoa.
Bữa bữa lâu đài chuông giục tối,
Chiều chiều thương mại khách đi qua.
Chốn Trường An ngó xa vòi vọi,
Lên xuống phong lưu cũng nước Trà.(Nguyễn Cư Trinh)
Chính xác hơn, bến Hà Nhai là một chuỗi bến đò chừng 2 cây số, từ hạ lưu ngược lên thượng nguồn: Bến Thọ Lộc, bến Chợ Hố, bến Biền, bến Đá, bến Ngân Giang; đối diện bên hữu ngạn là thôn Xuân Phổ, xã Nghĩa Kỳ, huyện Tư Nghĩa.
Hà Nhai cũng là tên một xã thuộc tổng Thượng, phủ Bình Sơn, trấn Quảng Ngãi, nay là thôn Hà Nhai, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh. Địa bạ triều Nguyễn, thiết lập năm Gia Long thứ 12 (1813), nêu giới cận xã Hà Nhai như sau:“Hà Nhai xã: đông giáp thôn Phú Hòa (tổng Trung), thôn Chiêu Lộc, thôn Đại Lộc, lấy bờ ruộng làm giới; tây giáp ba thôn: Lâm Lộc, Chiêu Lộc, Đại Lộc; nam giáp các thôn Chiêu Lộc, Phú Hòa, Ngân Giang, Lâm Lộc; bắc giáp thôn Đại Lộc, thôn Phú Hòa, thôn Lâm Lộc, lấy núi làm giới”.
Mô tả khá cụ thể của địa bạ và thực tế cho thấy xã Hà Nhai (hình thành chậm nhất từ 1813) về sau là thôn Hà Nhai (từ 1946), cách sông Trà Khúc, nơi gần nhất chừng 1 cây số. Thế nhưng, thôn Hà Nhai lại có công điền ở xứ đồng Cù Bành, dân gian gọi là Công điền Hà Nhai, nằm cận sông, lọt sâu trong địa phận thôn Thọ Lộc (về phía nam, cùng thuộc tổng Thượng), tiếp giáp bến Hà Nhai, ăn nước bờ xe Chợ Hố.
Điều tưởng như trái khoái nầy thực ra có thể giải thích từ quá trình diên cách các đơn vị thôn xã trong quá khứ. Khoảng từ thời điểm Nguyễn Cư Trinh làm tuần vũ Quảng Ngãi (1750) đến trước 1813 (năm thiết lập địa bạ) Hà Nhai là một xã khá rộng thuộc tổng Tịnh Thượng, phía nam giáp sông Trà Khúc, phía bắc là vùng đồi núi thấp (Bà Lợp, núi Ngang, núi Đất), bao gồm các thôn Hà Nhai, Ngân Giang, Thọ Lộc và phần phía tây của thôn Trường Xuân hiện nay.
Xanh mượt bến Hà Nhai.
|
Về sau, vùng cận sông được tách ra để thành lập các thôn Thọ Lộc, Ngân Giang. Xã Hà Nhai (sau là thôn Hà Nhai) với phần đất còn lại, trở thành vùng “Đồng gieo đất núi”, không còn giáp sông Trà Khúc, dù địa danh nầy có nghĩa là “bến sông”!
Những từ “đò chiều”, “ bến sông” dễ gợi cho người ta cảm giác tịch liêu, trầm mặc. Kỳ thực vẻ đẹp của bến Hà Nhai là khung cảnh một vùng sông nước thanh bình, tràn đầy sức sống, phóng khoáng, nên thơ. Ngày trước, ở đây có đò ngang nối Ngân Giang, Thọ Lộc phía tả ngạn với xóm Bãi, xóm Trại, xóm Buồng bên hữu ngạn. Lại là bến đò dọc trao đổi hàng hóa của bạn ghe kinh từ Thu Xà, Tam Thương, Quán Cơm lên Đồng Có, Đồng Ké, Ba Gia, Cù Và, Sơn Hà…
Chiều về, bến Hà Nhai trở nên nhộn nhịp, đông vui. Những người đánh cá, khai thác sạn, nhủi hến cho ghe neo lại bến Đá để trở về nhà sau một ngày nhọc nhằn sông nước. Đò dọc chở lâm thổ sản từ nguồn Sơn Hà về xuôi ghé qua bến Ngân Giang mua thêm hàng nông sản.
Nậu buôn nguồn từ Trà Bồng, Thạch An; người buôn khoai sắn, thơm mít, thuốc liếp, lúa gạo từ chợ Than (Tịnh Hiệp), chợ Đình (Tịnh Bình), quang gánh xuôi cầu Bà Tá xuống bến sông chờ theo ghe kinh về hạ lưu. Nhưng nhiều hơn cả là những chuyến đò ngang đưa người làm ruộng mía, ruộng dâu từ Xuân Phổ (Nghĩa Kỳ) qua sông về bờ bắc.
Địa bạ triều Nguyễn cho biết, trước đây, nhiều chủ điền bên bờ Bắc xâm canh đất trồng mía (cam giá thổ), trồng dâu (tang căn thổ) tận bờ Nam. Hàng ngày, từ tả ngạn, người làm ruộng theo đò ngang qua sông canh tác, cuối ngày lại từng đoàn rủ nhau ra bến nước trở về nhà. Tập Quảng Ngãi tỉnh chí (Nguyễn Bá Trác – 1933), mục Phong cảnh tự nhiên, có chép: “ Hà Nhai vãn độ là chỉ bến đò Hà Nhai (Sơn Tịnh), vì dân buổi chiều đi làm mía làng Xuân Phổ về rất đông…”.
Trước trận lũ lớn năm Giáp Thìn (1964) giữa dòng sông Trà Khúc, đoạn từ bến Đá nhìn ra, có một gò bồi khá rộng gọi tên “Gò Một”, là bãi thả trâu bò của mấy xóm nhà cuối Ngân Giang đầu Thọ Lộc. Ở đây bốn mùa cỏ non xanh mượt, chim mỏ nhát, vịt nước, cò trắng từng đàn chấp chới tìm mồi, vài chiếc thuyền câu lãng đãng mái chèo khi khoan, khi nhặt. Chiều xuống, trẻ mục đồng đưa trâu bò từ Gò Một vượt qua lạch sông về chuồng, hát hò nghêu ngao, râm ran cười nói.
Lũy tre làng nghiêng ngã dọc bờ sông, những guồng xe nước cần mẫn rì rào, đàn bò thủng thỉnh theo con đường nhỏ; bãi dâu xanh rờn bờ bắc, bãi bói ngã nghiêng trong gió phía bờ nam; đò ghe san sát, kẻ lại người qua. Xa tắp trời tây, thấp thoảng bóng mây, bóng núi nhòa lẫn vào nhau trong ráng đỏ… Tất cả tạo nên khung cảnh thanh bình, trù phú, của một miền quê thân thương, bình dị.
Những biến động của thiên nhiên cùng đổi thay của đời sống kinh tế – xã hội làm cho bến Hà Nhai không còn giữ được vẻ đẹp như cách đây hơn nửa thế kỷ. Hình ảnh guồng xe nước quay đều trong nắng tà, chuyến đò chiều người qua kẻ lại đông vui đã lùi về quá khứ. Bến Đá bồi lấp thành bãi trồng dâu. Bến Ngân Giang chỉ còn lác đác mấy con thuyền nhỏ của người buông chài, thả lưới. Bến Biền lẫn khuất bóng tre xanh.
Nhưng Hà Nhai vãn độ bây giờ không phải là một bến sông hiu quạnh, sầu buồn như hình dung bi lụy của những “thi sỹ tháp ngà” chưa nhìn thấy ngọn cỏ lau đầu bến đã vội hình dung trăng nước bơ sờ… Suốt dặm dài ven sông từ Ngân Giang về Thọ Lộc là cánh đồng soi màu mỡ, miệt mài màu xanh của đồng mía, nương ngô. Đâu đó, từ trong ruộng dâu, vườn chuối thấp thoáng mấy bóng người mà nếu bạn lại gần, bắt gặp đầu tiên sẽ là khuôn mặt rạng ngời và nụ cười chân thành, hồn hậu. Sông nước êm đềm, đồng ruộng phì nhiêu như góp một phần hình thành cách sống thung dung, cởi mở của người dân vùng Ngân Giang, Thọ Lộc cho dù cuộc mưu sinh của họ vẫn còn lắm vất vả, gian lao. Chẳng thế mà nơi đây, từ bao đời vẫn lưu truyền câu ca dao vừa bao dung nhân ái, vừa tha thiết tình quê:
Chẳng nên khanh tướng công hầu
Thì về Thọ Lộc trông dâu nuôi tằm…
Thì về Thọ Lộc trông dâu nuôi tằm…
Lê Hồng Khánh
Để lại một bình luận