Giặc giã đời mô đã dẹp rồi,
Luỹ xưa còn đắp xóm mồ côi.
Đá xây quanh quất theo bờ biển,
Người ở cheo leo dưới cửa lôi.
Trông thấy thuyền tình ba bốn phía,
Vẳng nghe trống giục một đôi hồi.
Hỏi thăm tạo hoá bao giờ đó,
Thạch trận về đây mới đắp bồi. (Nguyễn Cư Trinh)

Cổ Lũy cô thôn là một thắng cảnh trong mười thắng cảnh mà cụ Nguyễn Cư Trinh khi làm Tuần vũ Quảng Ngãi (1750) đã đề thơ ngâm vịnh. Sau này, các nho sĩ Quảng Ngãi còn tìm ra thêm hai thắng cảnh nữa thành mười hai cảnh đẹp tượng trưng cho vẻ đẹp thiên nhiên của Quảng Ngãi từ cuối thế kỷ thứ mười tám.

 

Cổ Lũy Cô Thôn và hai thôn Cổ Lũy.

Trong các cửa biển của Quảng Ngãi, như Sa Cần, Sa Kỳ, cửa Đại Cổ Lũy, Mỹ Á, Sa Huỳnh thì cửa Đại có tầm quan trọng hơn, cả về kinh tế, quân sự và giao thương trước đây và cả ngày nay. Do cửa Đại rộng và sâu, xưa kia sông Trà nhiều nước, tàu thuyền cỡ vừa và nhỏ đều ra vào vùng cửa sông dễ dàng, nên từ thời Chiêm Thành đến Đại Việt, việc kiểm soát phòng thủ cửa biển này luôn được chú trọng.

Cổ Lũy Cô Thôn một trong 12 thắng cảnh Quảng Ngãi.

Cổ Lũy Cô Thôn một trong 12 thắng cảnh Quảng Ngãi.

Điều này được tìm thấy trong Đại Nam nhất thống chí: Ở cách huyện Chương Nghĩa 17 dặm về phía đông bắc, cửa biển rộng 230 trượng, thủy triều lên sâu 14 thước, thủy triều xuống sâu 10 thước, phía nam là cửa biển lớn; phía bắc là cửa biển nhỏ, tàu thuyền không thông. Có đặt thủ ngự và hiệp thủ, lại lấy dân phụ lũy sung việc trú phòng. Lại thôn Cổ Lũy, phía đông bắc dựa ven bờ biển, phía tây nam là giáp chỗ giao lưu của sông Vệ và sông Trà, cách xa làng xóm, trông như ở trong khói nước lờ mờ, là một trong “Mười cảnh Quảng Ngãi” đề là “Cổ Lũy cô thôn”. Dân địa phương làm nghề dệt chiếu và đánh cá”.

ĐỌC THÊM  Thập Nhị thắng cảnh Quảng Ngãi.

Đã từ lâu có hai thôn Cổ Lũy: Thôn Cổ Lũy Nam là doi đất nhô ra cách cửa biển không xa lắm, phía bắc là cuối dòng sông Trà, phía nam là cuối dòng sông Vệ, vị trí đặt đồn lũy tốt nhất để canh phòng cửa biển (hiện nay vẫn có đồn biên phòng). Còn thôn Cổ Lũy Bắc ở phía bắc cửa Đại, hình thành khu dân cư trên một lũy cát chạy dài ven biển. Chắc hẳn để tốt cho việc canh phòng án ngữ vùng cửa Đại, từ thời Chiêm Thành rồi đến Đại Việt, trên lũy cát này vùng gần của biển cũng phải có đồn lũy.

Theo nội dung ghi trong Đại Nam nhất thống chí lượt trích ở trên phải chăng phần đất của thôn Cổ Lũy Bắc ngày nay sát với cửa biển có liên quan đến thôn Cổ Lũy đã ghi trong sử sách? Buổi hoang sơ mãi đến khi hình thành hệ thống làng xã, nhà cầm quyền thời ấy đã dựa vào di tích cũ và đặt tên thôn Cổ Lũy Nam thuộc xã Nghĩa Phú, thôn Cổ Lũy Bắc thuộc xã Tịnh Khê, cả hai địa phương này nay đều thuộc TP.Quảng Ngãi.

Như vậy, tên thôn Cổ Lũy hẳn có gắn liền với lũy cổ trong hệ thống phòng thành vùng cửa Đại. Có thể suy luận rằng, nếu Cổ Lũy phía nam có vị trí chiến lược quan trọng, vì nằm trên doi đất chỗ gặp nhau giữa hai dòng sông Trà và sông Vệ, hướng trực diện ra cửa biển, thì Cổ Lũy phía bắc hướng mặt ra biển, sát cửa biển, sau lưng là sông Kinh, nối liền cửa Sa Kỳ và cửa Đại.

ĐỌC THÊM  Long Đầu Hý Thủy - Đệ nhị thắng cảnh Quảng Ngãi.

Là dòng sông có vai trò quan trọng để tàu thuyền tránh bão, lưu thông kinh tế, quân sự giữa hai cửa biển khi cần thiết, mà không phải ra biển, nhất là khi bão tố, biển động mạnh. Thôn Cổ Lũy Nam xa xưa dân cư thưa thớt, họ sinh sống chủ yếu bằng nghề chài lưới. Về sau tỉnh thành phát triển, Thu Xà, Phú Thọ hàng hóa vào ra tấp nập, thôn Cổ Lũy dân cư đông dần lên.

 
Đất đai Cổ Lũy Nam có phù sa của sông Trà, sông Vệ, có ảnh hưởng nước mặn khi triều lên, nên thích hợp cho cây dừa phát triển. Cây dừa lại khỏe, thân cứng dẻo, bộ rễ tốt nên chịu được phong ba. Do vậy người địa phương trồng dừa dày đặc. Thân dừa cao, tàu lá thướt tha, chiều mờ sương khói, làm nên vẻ đẹp thơ mộng của làng quê ven biển.

Thôn Cổ Lũy Bắc ở phía biển, lũy cát nhô cao thích hợp với dương liễu và các loại cây mọc hoang dại chắn gió, còn phía sông Kinh hai bên bờ dừa nước mọc thành rừng, triền cao hơn người ta cũng trồng dừa ăn quả như phía Cổ Lũy Nam. Thôn Cổ Lũy Bắc xưa kia dân sống nghề chài lưới, dệt chiếu, làm dây dừa. Sát với cửa Đại là xóm Khê Tân, dân bao đời sinh sống bằng nghề chài lưới, đi khơi, đi lộng. Chia cách xóm Khê Tân với các xóm khác là một khoảng đất cát bỏ hoang.

ĐỌC THÊM  Thạch Ky điếu tẩu - Đệ Cửu thắng cảnh Quảng Ngãi.

Từ Khê Tân ra cửa Đại có gành cát, bên trên là sông Trà, bên dưới là biển. Gành cát này di động quanh năm do ảnh hưởng sóng, dòng thủy lưu bắc nam ven biển và dòng chảy sông Trà. Ngày trước, gành cát lấn ra phía biển, nay dời tự nhiên vào phía sông, có lẽ do nguồn nước sông Trà hiện tại ít đi, nhất là mùa nắng. Gành cát có vẻ đẹp tự nhiên, hình thể uốn cong mềm mại như dải lụa mờ trong chiều sông nước và ửng hồng như chân mây lúc rạng đông!

Đứng trên núi Đá Phú Thọ nhìn xuống hướng đông – đông nam, xa xa sát biển là xóm Trường Yên, nay là thôn Phổ An thuộc xã Nghĩa An, gần hơn là thôn Cổ Lũy Nam, trước đây từ khu vực dân cư ra đến cửa biển, mé sông là đất ngập nước, ruộng lác… Khi chiều thu xuống vẫn vẻ đẹp sương khói mơ màng, còn mùa đông mưa gieo thêm niềm u tịch. Cũng vị trí núi Đá ấy nhìn sang phía đông bắc, phía bên kia cửa sông Trà là thôn Cổ Lũy Bắc mờ mờ sóng nước, điểm vào không gian tĩnh lặng ấy là màu ngói mới, tường vôi của xóm nhà.

Ở vị trí thôn Cổ Lũy Bắc lúc hoàng hôn muộn vào mùa thu, hoặc mùa đông nhìn sang phía nam, bên kia cửa Đại là doi cát của xóm Trường Yên (nay là Phổ An, Nghĩa Phú) như thách thức với phong ba. Còn phía tây nam thì thấy thôn Cổ Lũy Nam chìm sâu trong sương khói đẹp mơ màng. Thế đó, thắng cảnh “Cổ Lũy cô thôn” và hai thôn Cổ Lũy luôn là dấu ấn thiên nhiên đẹp trong lòng người dân Quảng Ngãi và du khách!

 
Cổ Lũy Cô thôn - một trong mười hai thắng cảnh Quảng Ngãi.

Cầu Cổ Lũy về đêm. Ảnh baothanhtra.com.vn

Bùi Văn Tạo