Trước thành đồng trống lổng lồng lông,
Núi bút phê vân khéo lạ lùng.
Cây điểm ra hoa, hoa điểm nhuỵ,
Mây thành có sắc, sắc thành không.
Giang sơn đúc lại còn danh giá
Cốt cách xinh vầy tự hoá công.
Thêu dệt văn chương trên đế toạ,
Hơn mười hai cảnh giữa non sông.(Nguyễn Cư Trinh)

Núi Bút hay Thiên Bút nằm cách trung tâm tỉnh lỵ 2 km về phía nam, thuộc địa phận làng Chánh Lộ (nay là xã Nghĩa Chánh) thị xã Quảng Ngãi. Núi nằm ở phía đông, áp sát đường Quốc lộ số 1.

Núi Thiên Bút nhìn từ trên cao.

Núi Thiên Bút nhìn từ trên cao.

 

Thiên Bút có độ cao hơn 60 mét so với mặt biển, là một hòn núi nhỏ, hình chóp, cân đối đều đặn, trông xa tựa như ngọn bút lông nui chỉ lên trời. Vào những buổi sáng sương mù chập chờn, che khuất phần lưng chừng núi; phần chóp chan hòa vào những dãi mây cao và các cụ ngày xưa bảo ấy là lúc “Thiên Bút phê vân” (bút trời viết lên mây).

Núi Thiên Bút Quảng Ngãi

Núi Thiên Bút Quảng Ngãi

 

 

Dưới chân núi, phía nam, có một chỏm đồi thấp, tựa như nghiên mực (hòn Nghiên) và cánh đồng bằng phẳng, đất phì nhiêu, gọi là Ngọc Ấn.

 

Trên núi Bút còn có một bệ bằng đất, mà nhiều bậc cao niên cho là dấu vết còn lại của một tháp Chăm Pa. Trước đây trên hòn Nghiên có ngôi chùa tên là Quy Sơn Tự, do Thượng đàm Nguyễn Hữu Chuyên (thầy Thượng Nguyễn) xây dựng. Ngôi chùa đẹp nhưng âm u, tịch mịch, trước cổng chùa có câu đối của cụ Tạ Tương – Tri phủ Thăng Bình, đệ tam giáp đồng tiến sĩ khoa Nhâm thìn:

ĐỌC THÊM  An Hải sa bàn - Đệ Bát thắng cảnh Quảng Ngãi.

 

Tôn thần trụ thị thiêm hoa cẩm

Hiển thánh từ phi dịch diệp đồ

 

Xét về địa cuộc, núi Bút nằm trên trục xuyên tâm của các danh thắng Quảng Ngãi từ Cổ Lũy cô thôn đến Thạch Bích tà dương, từ Thiên Ấn niêm hà đến La Hà thạch trận, từ Long Đầu hý thủy đến Liên Trì dục nguyệt. Núi Bút cũng làm “Án” cho các đền miếu như đền Văn Thánh, chùa Thiên ấn, đình Chánh Lộ, đình Ba La…

 

Núi Thiên Bút Quảng Ngãi

Ráng chiều Núi Thiên Bút Quảng Ngãi

Nhân dân Quảng Ngãi ngày trước xem núi Bút là địa cuộc phát triển văn phong của một vùng, tương ứng với núi Ấn là địa cuộc tượng trưng cho quyền chức.

 

Núi Bút được Nguyễn Cư Trinh và nhiều văn gia thi sĩ xem là một trong những cảnh đẹp tiêu biểu của Quảng Ngãi (Thiên Bút phê vân), đồng thời nó cũng gắn liền với nhiều giai thoại kỳ thú, là đối tượng ngâm vịnh của nhiều cuộc xướng họa thơ ca còn lưu truyền đến ngày nay. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, một danh sĩ đất Quảng Nam có nhiều gắn bó với Quảng Ngãi, trong câu đối viếng cụ Tạ Tương cũng nhắc đến Thiên Bút như sau:

Cẩm thành giai khí chung vi Thiên Bút cao sơn, đông lãnh thương tòng thôi độc tú.

Quỳnh uyển danh ba giá trọng Nhâm thìn tuế bảng thu dung hoàng cúc điểm quần phương.

(Khí tốt của đất Cẩm Thành hun đúc lên núi Bút, ngọn núi mùa đông có cây tùng xanh chỉ một mình.

ĐỌC THÊM  Liên Trì dục nguyệt - Đệ ngũ thắng cảnh Quảng Ngãi.

Tiệc đãi trọng thể ở vườn Quỳnh uyển năm Nhâm thìn mùa thu cây hoàng cúc còn lưu lại để tỏa mùi hương cuối cùng).

 

Mặc dù nằm ở vị trí thuận lợi, nhưng việc tôn tạo, bảo vệ Thiên Bút chưa tương xứng với ý nghĩa của một danh thắng đã được người xưa ca ngợi.

Một khi thị xã tỉnh lỵ mở rộng, dân cư tăng nhanh, nếu được qui hoạch tôn tạo đúng mức nơi đây sẽ trở thành một khu vực vui chơi rất lý thú, Núi Bút và vùng chân núi phụ cận có nhiều điều kiện thuận tiện trồng rừng để tạo thành một lâm viên. Hiển nhiên một rừng cây nằm áp sát khu vực thành thị đông đúc sẽ góp phần đáng kể vào việc cân bằng hệ sinh thái, giữ được sự trong lành của môi trường.

Sưu tầm.